Cây Luồng: đặc điểm, ứng dụng, cách trồng và khai thác

Posted on 1501 lượt xem

Cây Luồng là một trong những loại tre quý có giá trị kinh tế cao. Được trồng nhiều ở Thanh Hóa, Sơn la, Hòa Bình. Luồng được ứng dụng trong nhiều trong xây dựng, sản xuất ván tre ép, sản xuất đồ gia dụng, thủ công mỹ nghệ. Để biết rõ hơn về những thông tin và đặc tính của loại cây này, mời quý đọc giả hãy xem bài viết sau đây.

Cây luồng là cây gì?

Cây Luồng có tên khoa học Dendrocalamus barbatus, còn gọi là luồng Thanh Hóa. Người thái hay gọi bằng các tên khác là: mạy mèn, mạy sang mú. Là một loài thực vật có hoa trong họ Hòa thảo.

Cây Luồng
Cây Luồng

Đặc điểm hình thái cây luồng

Thân

Thân ngầm dạng củ, thân khí sinh mọc cụm. Cây Luồng trưởng thành đạt chiều cao thân 15-18m, đường kính 10-15cm, ngọn cong hay hơi rủ. Một số đốt gốc có vòng rễ khí sinh, lóng màu lục xẫm, chiều dài lóng 26-32cm, đồ dày thành vách 1cm.

Cành

Cành Luồng phát triển từ các đốt. Mỗi đốt có nhiều cành, cành chính to và dài, 2 – 5 cành còn lại nhỏ hơn.

Phiến lá luồng thuôn hình mũi giáo. Trung bình mỗi lá dài 10-15cm, rộng khoảng 1-2cm. 2 bên mép lá đều có những răng cưa nhỏ nhưng khá sắc chìa ra bên ngoài.

Mo

Bẹ mo rụng sớm, lúc đầu màu nâu vàng, lưng phủ phấn trắng và có lông gai nhỏ màu nâu. Tai mo liền với phần kéo dài ra ngoài của gốc phiến mo, dạng sóng, dài 5-15mm, rộng 2-3mm, phủ dày lông mi dạng lông bờm lợn dài 1cm. Lưỡi mo cao 5-8mm, đầu xẻ răng không đều; phiến mo lật ra ngoài, gốc mặt bụng cũng phủ dày lông thẳng cứng dạng lông bờm lợn, phần còn lại phủ lông gai nhỏ.

Hoa

Cụm hoa không mang lá, mỗi đốt đính 10-25 bông nhỏ. Đường kính trục cụm 1-2.2cm, bông nhỏ hình trứng ngược, dài 6-8.5mm, rộng 2-4mm, màu lục vàng, gần không lông, hai hoa nhỏ. Chiều dài mày ngoài 6-7mm, rộng 4-5mm, đầu có mũi nhọn nhỏ dạng gai dài 0.8-1mm. Chiều dài mày trong 5-6mm, khoảng cách giữa hai gờ 1mm, có 3 gân. Chiều dài chỉ nhị 6mm, bao phấn màu vàng hay sau khi khô màu tím, dài 6mm, đầu có mũi nhọn. Chiều dài nhuỵ 6¬7.5mm, phần trên của bầu cùng với vòi và đầu nhuỵ đều phủ lông.

Phân bố

Cây Luồng có thể mọc tự nhiên hoặc được trồng thành từng cụm. Tập trung nhiều ở Thanh Hóa và Sơn La.  Các huyện của tỉnh Thanh Hóa như Quan Hoá, Lang Chánh, Bá Thước, Ngọc Lạc là vùng trồng rừng luồng tập trung nhất với diện tích hơn 50.000 ha (vì thế quen gọi là “Luồng Thanh Hoá”).

Luồng Thanh Hóa
Luồng Thanh Hóa

Hiện nay cây luồng được nhân giống và trồng rộng rãi ở nhiều tỉnh thành khác trên cả nước. Nhưng vùng tập trung nhiều nhất vẫn là vùng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Đông Nam Bộ.

>> Xem thêm: Những loài tre được trồng phổ biến tại Việt Nam hiện nay

Ứng dụng của cây Luồng

Thân luồng chứa cellulose (54%) cao nhất trong các loài tre đã được phân tích, lignin (22.4%), pentozan (18.8%). Sợi luồng thường có chiều dài 2.944mm, chiều rộng 17.84 µm (vách tế bào dầy 8.5µm). Với thành phần hoá học và kích thước sợi của luồng, nếu dùng làm nguyên liệu sản xuất giấy sẽ cho hiệu quả cao và chất lượng giấy tốt.

Cây luồng ở độ ẩm thí nghiệm có tỷ trọng 838 kg/m3. Độ co rút thể tích 0.68. Mẫu đốt có độ bền nén dọc thớ 696 kgf/cm2, lóng có độ bền nén dọc thớ 764 kg/cm2. Độ bền kéo dọc thớ của đốt 867 kgf/cm2, mẫu lóng 2846 kgf/cm2. Đốt có độ bền khi uốn tĩnh tiếp tuyến 1531 kgf/cm2. Ngoài vào 1431 kgf/cm2 và trong ra 1328 kgf/cm2. Lóng có độ bền khi uốn tĩnh tiếp tuyến 1603 kgf/cm2. Ngoài vào 1578 kgf/cm2 và trong ra 1418 kgf/cm2. Độ bền khi trượt dọc thớ của đốt 70 kgf/cm2 và lóng 57 kgf/cm2. Vì vậy Luồng được dùng trong sản xuất ván tre ép cột chống, xà đỡ trong xây dựng.

Luồng nguyên liệu được dùng để sản xuất đồ nội thất như bàn ghế tre, giường tre, sofa, đèn để bàn bằng ống tre luồng, tủ tre,….

>> Địa chỉ bán cây Luồng giá rẻ tại TPHCM.

Măng luồng ăn ngon, kích thước lớn nên ngoài ăn tươi còn được phơi khô. Trọng lượng bính quân của măng luồng là 1.15kg/1 măn. tỷ lệ sử dụng khá cao (65-72%). Phân tích măng luồng đa thu được các kết quả như sau: hàm lượng nước 92.01%. Protein 2.26%, Đường tổng 2.47%, Glucid 2.33%, Cellulose 0.58%, và lipid 0.12%. Trong thập kỷ 70, tỉnh Thanh Hoá đã có xí nghiệp đóng hộp măng luồng để xuất khẩu.

Ứng dụng của cây Luồng
Ứng dụng của cây Luồng

Cách nhân giống và gây trồng

Nhân giống

Hom gốc: Theo tập quán trông của người dân lúc trước trồng luồng chỉ dùng phần gốc. Sau quá trình nghiên cứu thì giờ đây Luồng được nhân giống bằng cách hom thân có chồi ngủ. Hom cành là cách được sử dụng nhiều nhất vì có khả năng tạo  được nhiều giống và dễ vận chuyển đi xa. Chọn giống từ những cây có tuổi đời từ 10-14 tháng tuổi.

Giống cành: giống từ cành ra rễ tốt ở những tháng có nhiệt độ không kí trung bình 22-25 độ C. Cành luồng có đường kính lớn hơn 1cm đảm bảo cho giống tốt. Nếu đường kính nhỏ hơn, giống sinh trưởng chậm. Cành có dáng đùi gà nhẵn, không có vành rễ khí sinh thì khi ủ cành không ra rễ, do đó cành giống sẽ bị chết.

Cách trồng và chăm sóc cây Luồng
Cách trồng và chăm sóc cây Luồng

Các bước thực hiện nhân giống cành

Dùng dao thật sắc, chặt sát phần thân và các gốc cành, tránh làm dập đùi gà. Cành lấy dài 35-40cm (2-3 lóng) kể từ gốc cành. Giống cành lấy về, cần để ở chỗ râm mát, tưới cho khỏi héo và không được để quá 2 ngày. Sau đó đem ngâm trong chất kích thích sinh trưởng. Có thể dùng 1 trong các chất sau: 2.4D; muối Natri, Kali của 2.4D. Các chất kích thích trên được hoà tan vào: Cồn: 1g thuốc/8-10cm3 cồn 96 độ hoặc Rượu trắng 40 độ: 1g/20-25cm3. Sau khi đã hoà tan như trên, đổ vào bể ngâm với lượng nước lã và quấy đều theo tỷ lệ sau: 2.4D: hoà tan trong 50 lít nước, với muối Kali, Nat ri của 2.4D hoà tan trong 10 lít nước

Ngâm cành ngập phần gốc với độ sâu 10-13cm. Nếu nhiệt độ không khí 20-28 độ C thì ngâm 12-15 giờ. Nhiệt độ không khí trên 29 độ C thì ngâm 9-11 giờ.

Sau khi ngâm cành xong, vớt ra ủ trong mùn cưa (1kg mùn/lít nước lã) hoặc cát ẩm (1kg cát khô/0,5 lít nước). Cành xếp nghiêng 60 độ , cứ một lớp cành, một lớp cát hoặc mùn cưa dày 20cm.

Ủ 20-23 ngày, cành đã có rễ cám, 15 ngày đầu giữ độ ẩm của mùn cưa hoặc cát khoảng 85-90%, tiếp theo, độ ẩm có thể giảm đi chút ít. Chọn cành có rễ đem ươm, còn lại tiếp tục ủ cho đến khi ra rễ cám.

Ươm giống

Tại vườn ươm: vườn ươm cần bằng phẳng, đất thịt hoặc đất thịt nhẹ. Nền vườn cao thì không nên lên luống, mà ươm theo rạch. Đất vườn thấp dễ úng thì phải lên luống. Bón lót 3-4kg phân chuồng/m2.

Cành được ươm theo rạch, rạch sâu 10cm, cành cách cành 20cm, rạch cách rạch 50cm. Cành đặt nghiêng 600 so với mặt đất; 2 mắt cành nằm 2 phía thành của rạch. Dùng đất nhỏ lèn chặt phần đùi gà, sau đó tưới ẩm, phủ rơm rạ kín mặt luống.

Làm giàn che trên luống; cành ươm được che khoảng 40-50% ánh sáng, giàn cao 1,2¬1,3m. Sau 45-60 ngày dỡ dần giàn che.

Kỹ thuật trồng luồng

Giống và kỹ thuật tạo giống, mật độ trồng, hố trồng, thời vụ trồng và chăm sóc những năm đầu là những yêu cầu cơ bản đảm bảo trồng có tỷ lệ sống cao và phát triển tốt.

Địa hình trồng luồng: Là các vùng đồi núi thấp, vùng đồng bằng, chân đồi các dải đất hình yên ngựa hoặc sườn thoải.

Phương thức trồng luồng: Trồng phân tán quanh nhà, trồng thành rừng, trồng xen canh với các loại cây thân gỗ khác.

Đất trồng: Đất Feralit nâu đỏ (phát triển trên đá Poocphia), đất Feralit đỏ vàng (phát triển trên phiến thạch sét), đất phát triển trên đá vôi,….

Kỹ thuật trồng: Có thể trồng luồng bằng cách chiết bầu, giâm cành, hom gốc,… Trong đó nhân giống bằng cách chiết bầu được áp dụng phổ biến nhất.

Phòng trừ sâu bệnh

Cây luồng dễ bị sâu vòi voi phá hoại khi ra măng. Trong quá trình sinh trưởng và phát triển dễ bị bệnh chổi sể. Vì vậy bà con chú ý vệ sinh rừng luồng đều đặn. Đồng thời thường xuyên vun xới đất, điều tiết mật độ và bón phân định kỳ để tạo điều kiện thuận lợi cho cây phát triển.

Khai thác

Khai thác luân kỳ 1 năm: Thu hoạch không quá 30% tổng số cây trong khóm.

Luân kỳ 2 năm: Không chặt hạ quá 40% tổng số cây trong khóm.

Khai thác luân kỳ 3 năm: Ở vùng xung yếu thì chặt hạ những cây 4 tuổi. Các vùng khác thì chặt hạ cây 3 tuổi.

Kết luận

Trên đây là chia sẻ của Vựa Cừ Tràm Tân Hoàng Phát về những thông tin về cây Luồng. Hy vọng bài viết đem lại những kiến thức hữu ích dành cho quý đọc giả đang tìm kiếm những thông tin về cây Luồng để tham khảo.

Rate this post

Vựa Cừ Tràm Tân Hoàng Phát

Là đơn vị chuyên cung cấp và thi công các loại cừ tràm, cừ dừa, cừ bạch đàn, phên tre uy tín và chất lượng tại TPHCM và các tỉnh với giá rẻ nhất hiện nay

Địa chỉ: 311/1D Vườn Lài, An Phú Đông, Quận 12, TP.HCM
Email: Tanhoangphat@vuacutram.vn
Website: https://vuacutram.vn